Malaysia thông tin nhỏ giọt và sai lầm
7 giờ sáng ngày 8.3, tại sân bay Bắc Kinh, bảng thông báo các chuyến bay "đến" chỉ có một từ "trễ" lẻ loi ghi bên cạnh MH370. Thân nhân hành khách chuyến bay MH370, sau nửa giờ chờ đợi người thân, mới được nhân viên của hãng hàng không Malaysia Airlines báo tin qua điện thoại như sau: Chúng tôi lấy làm tiếc là đã mất dấu chuyến bay MH370.
Tất cả mọi nỗ lực tìm kiếm của Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực biển Đông theo dữ kiện của Kuala Lumpur cung cấp không mang lại kết quả, không kể những cuộc báo động lầm phát hiện vết dầu hay mảnh vỡ máy bay từ phía quan sát viên Việt Nam và vệ tinh Trung Quốc.
Một kỹ sư dầu mỏ tên Mike McKay, làm việc trên giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, còn gửi e-mail đến đài kiểm soát không lưu ở TPHCM khẳng định là ông thấy có một chiếc máy bay bị bốc cháy và rơi xuống biển vào thời điểm MH370 mất tích. Tàu cấp cứu được gửi đến, nhưng không thấy gì cả.
Tiếp theo đó, cơ quan điều tra để ý đến hai hành khách dùng hộ chiếu đánh cắp, nhưng giới chuyên gia chống khủng bố nghiêng về giả thuyết "di dân nhập cư" bất hợp pháp, tìm đường sang Châu Âu qua ngõ Bắc Kinh. Giả thuyết này chính xác.
Ngày này sang ngày khác, thân nhân hành khách trên chuyến bay mất tích, đa số là người Trung Quốc, bắt đầu sang Kuala Lumpur.
Trong số hành khách kém may mắn này, có 24 họa sĩ Trung Quốc về nước, sau khi tham dự xong tuần lễ giao lưu nghệ thuật với đồng nghiệp Malaysia.
Mỗi ngày, chính phủ Malaysia và công ty hàng không quốc gia cho thông tin nhỏ giọt và thường là sai lầm. Ngày 11.3, Trung Quốc thông báo huy động 10 vệ tinh tập trung quan sát khu vực. Ngày hôm sau, cũng Trung Quốc, thông báo tìm thấy nhiều mảnh vỡ tại biển Đông, nhưng cũng chỉ là báo động lầm.
Một doanh nhân Mỹ tên Luck Barrington, ở Colorado, đưa ra sáng kiến kêu gọi cộng đồng mạng internet trên toàn thế giới đóng góp ý kiến, sáng kiến, cho phép định được tọa độ cuối cùng của chiếc máy bay MH370.
Tuy nhiên, Washington không thể chờ lâu hơn: 4 ngày đã trôi qua. Trên chuyến bay, có ba công dân Mỹ. Boeing còn là hãng máy bay của Mỹ, Boeing 777 là loại an toàn nhất, thông dụng nhất, uy tín nhất. Sau nhiều ngày do dự, cuối cùng chính quyền Malaysia phải mời các chuyên gia Pháp và Mỹ trong đó có Scott Dunham, một kỹ sư 56 tuổi, chuyên gia hàng đầu thế giới về radar.
Những khám phá làm toát mồ hôi lạnh
Những điều kỹ sư Scott Dunham khám phá làm toát mồ hôi lạnh: Lúc 1 giờ30, sau khi các phương tiện liên lạc của chiếc Boeing bị cắt, chiếc máy bay bất thần quẹo trái về hướng tây nam. Trước tiên, máy bay lên thật cao 13.700m tức là hơn cả độ cao tối đa được cho phép, sau đó đâm xuống 7.000m. Các máy radio phát tín hiệu chưa bị cắt tiếp tục gửi sóng. Cho đến 8 giờ 11 phút sáng 8.3, các máy phát sóng không bị cắt, vẫn tiếp tục gửi tín hiệu chứng tỏ máy bay... đang bay, nhưng đó là tín hiệu cuối cùng.
Khi máy bay chuyển hướng và độ cao một cách đột ngột như vậy, hành khách sẽ bị nôn mửa và ngất xỉu khó có thể ý thức được một tai họa đang đến gần. Theo các nhà điều tra, chắc chắn MH370 đã hết xăng và rơi đâu đó trong vùng Ấn Độ Dương.
Vấn đề là sau khi quay lại Malaysia, máy bay đi về đâu? Hai giả thuyết được đưa ra: Một là bay lên hướng bắc, vượt qua vùng rừng núi Thái Lan lên tận Kazakhstan, Trung Á. Giả thuyết này phù hợp với những nhà phân tích nghi ngờ chiếc máy bay bị không tặc hoặc chính phi công là không tặc, cướp máy bay để chuẩn bị một vụ tấn công theo kiểu 11 tháng 9 năm 2001. Tuy nhiên, giả thuyết này nhanh chóng bị loại vì dọc lộ trình này có rất nhiều radar quân sự.
Chỉ còn lộ trình thứ hai là bay sâu vào Ấn Độ Dương. Một nguồn tin quân sự do AFP trích dẫn ngày 14.3 cho biết "người lái phải là một phi công kinh nghiệm biết rõ đường đi nước bước tránh né radar quân sự".
Giả thuyết thứ hai chỉ được Malaysia công nhận vào ngày 15.3 tức 8 ngày sau khi máy bay mất tích. Từ đó, mọi nỗ lực tìm kiếm mới chuyển hướng và Australia bắt đầu nhập cuộc.
Theo Lao Động
Đăng nhận xét