Hiện tượng lãng quên ở con người không ảnh hưởng đến bộ nhớ vô thức lưu trữ thông tin về cách thức hoạt động, ví dụ như việc đi xe đạp. Thay vào đó nó ảnh hưởng đến trí nhớ tường thuật, hồi ức về các sự kiện và hình ảnh cá nhân mà chúng ta đã trải qua trong quá khứ. Và mất trí nhớ thời thơ ấu cũng là một dạng như vậy.
Trước đây, các nhà khoa học tin rằng trẻ con chỉ đơn giản là chưa phát triển hết về não bộ, khiến chúng không có đủ chức năng để cảm nhận những gì diễn ra xung quanh mình, cũng như việc ghi nhớ chúng. Tuy nhiên theo một nghiên cứu công bố trên Monographs năm 2000, những trẻ 2-3 tuổi có khả năng nhớ và nói lại những sự kiện diễn ra trước đó vài tháng. Điều này chứng tỏ bộ não trẻ em có thể ghi nhớ tốt những gì đã diễn ra xung quanh mình.
Một số nhà khoa học khác cho rằng, việc chúng ta không thể nhớ được những sự kiện diễn ra trong thời thơ ấu vì lúc đó ngôn ngữ của chúng ta chưa hoàn thiện để có thể diễn tả chúng. Ngôn ngữ là thành phần quan trọng nhất để mã hóa những ký ức, chúng ta ghi nhớ bằng ngôn ngữ và cũng kể lại bằng ngôn ngữ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên các loài động vật như chuột, cũng cho thấy xuất hiện hiện tượng mất trí nhớ thời thơ ấu, mặc dù chúng không có ngôn ngữ.
Tháng trước, trên tạp chí Science, các nhà khoa học đã đề xuất một giải thuyết mới để giải thích hiện tượng này. Họ cho rằng, việc các tế bào thần kinh mới luôn phát triển để thay thế các tế bào cũ đã xóa đi các ký ức trước đây. Bởi việc hình thành các tế bào thần kinh mới đã phá vỡ các liên kết giữa các tế bào cũ, vốn là cơ sở giúp chúng ta ghi nhớ những sự kiện trong quá khứ.
Các nhà khoa học hiện vẫn đang tiến hành các nghiên cứu về vấn đề này. Với hy vọng sẽ tìm ra được cách thức mới để chữa các căn bệnh mất trí nhớ, hay quên hay bệnh Alzheimer ở người già.
Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết cùng chuyên mục Khám Phá
Đăng nhận xét