Hiếu và Nga kết hôn đã gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa có con. Cưới xong, Hiếu đã muốn có con ngay vì điều kiện hoàn toàn cho phép, tuổi 2 người cũng không còn quá trẻ. Nhưng Nga còn chần chừ, vì thế 2 vợ chồng đã thống nhất kế hoạch 1 năm sau mới có con.
Thế mà giờ, 2 năm sau ngày cưới, tức là vợ chồng anh đã “thả” gần 1 năm mà Nga chưa hề có “động tĩnh” gì. Hiếu, bố mẹ anh và cả bố mẹ Nga nữa đều sốt ruột, mong ngóng có một tiếng trẻ thơ bi bô trong nhà vô cùng. Thiết nghĩ đó cũng là điều dễ hiểu.
Hiếu nhiều lần muốn cùng Nga đi bệnh viện khám xem có ai có vấn đề gì không để còn chạy chữa kịp thời mà Nga cứ lừng khừng, viện cớ nọ việc kia để trì hoãn. Rồi bỗng một hôm, Nga về đưa cho Hiếu tập hồ sơ xét nghiệm của cô với vẻ mặt buồn rười rượi. Hiếu giật mình, mở ra xem thì chết điếng người. Trong đó là kết quả kiểm tra sức khỏe sinh sản của Nga với lời kết luận: Nga khó có con. Như có tiếng sét đánh ngang tai, Hiếu run rẩy đến nỗi đánh rơi cả tờ giấy trên tay. Nga đứng cạnh cũng rơi nước mắt lã chã tự lúc nào.
Thì ra Nga có chị bạn thân làm bác sĩ ở một bệnh viện tư nhân có tiếng nên nhân lúc rảnh cô đã đến thăm khám 1 mình trước mà không đợi chồng đi cùng. Và cuối cùng cho ra kết quả đáng buồn như vậy.
Cô vẫn tươi roi rói và thảnh thơi như thể trong cô giờ là niềm hạnh phúc ngập tràn chứ không phải là nỗi buồn vì bệnh tật nữa (Ảnh minh họa).
Sau khi bình tĩnh lại thì Hiếu thấy thương vợ vô cùng. Khó khăn trong việc thực hiện thiên chức làm mẹ, chắc hẳn Nga là người đau lòng và phải suy nghĩ nhiều nhất. Hiếu ôm lấy Nga, 2 vợ chồng khóc nức nở như những đứa trẻ. Rồi sau đó chính anh là người động viên vợ gắng sức chạy chữa. "Chỉ là khó có thôi mà, đâu phải không còn hy vọng nào chứ" - anh ôn tồn nói. Nga cảm động không thốt nên lời, chỉ biết nắm chặt tay anh để thể hiện sự cảm ơn sâu sắc của cô với chồng.
Sau đó là thời gian kéo dài đến cả năm trời Nga điều trị bệnh, vậy mà vẫn chưa có kết quả. Sự chán chường và mệt mỏi của tất cả mọi người trong gia đình, bao gồm cả Hiếu cũng theo đó mà tăng lên theo. Nga vẫn theo chỉ dẫn của chị bác sĩ quen đó để điều trị, nhất quyết không đến thăm khám ở ai khác, mặc dù bố mẹ chồng Nga muốn giới thiệu bác sĩ khác giỏi có tiếng hơn cho cô.
Thi thoảng Hiếu có đi cùng Nga đến gặp chị bác sĩ ấy. Nghe chị bác sĩ bảo vợ có tiến triển, anh cũng thấy yên tâm phần nào. Nhưng mỗi khi nhìn thấy con trẻ nhà ai, Hiếu không tránh khỏi thấy chạnh lòng. Kết hôn 3 năm, trong nhà anh vẫn lạnh tanh, trống vắng tiếng trẻ thơ. Anh thèm lắm được làm cha, được ẵm bồng, chăm sóc đứa con của chính mình. Hiếu buồn nhiều, nhưng chẳng dám thể hiện gì, sợ vợ lại tủi thân mà lo nghĩ.
Hiếu thì thế, mà lạ thay Nga vẫn vui vẻ, phơi phới đi làm, đi chơi, đi cafe tụ tập với bạn bè. Cô vẫn tươi roi rói và thảnh thơi như thể trong cô giờ là niềm hạnh phúc ngập tràn chứ không phải là nỗi buồn vì bệnh tật nữa. Có đôi lúc nhìn vợ mà Hiếu chợt nghĩ, hình như Nga không mặn mà lắm với việc có con thì phải, thậm chí cô còn như đã thoát được gánh nặng nào đó. Đành rằng, anh biết tâm trạng thoải mái là điều tốt nhất cho việc điều trị. Ban đầu Hiếu cũng giận mình khi có ý nghĩ không hay về vợ, nhưng càng ngày, khi mà nỗi buồn trong anh và sự lo lắng của bố mẹ anh ngày càng tăng thì vợ anh vẫn nhẹ tênh như không có chuyện gì.
Một ngày không lâu sau đó, Hiếu đã khám phá ra một sự thật. Và cũng chính sự thật đó đã làm rõ tất cả những băn khoăn, dự cảm trong lòng anh từ trước tới giờ. Lần đó, anh cần mua một thứ mà không đủ tiền nên đã lấy thêm tiền trong ví ở túi xách của vợ. Trước nay anh không bao giờ lục lọi túi của vợ, lần này chỉ là bất đắc dĩ. Nhưng thứ mà anh phát hiện ra trong túi vợ thì lại quá mức kinh hoàng: một vỉ thuốc tránh thai hàng ngày chưa dùng hết!
Khó có con, còn đang phải chạy chữa vậy thì Nga mua thuốc tránh thai làm gì? Nếu không phải cô ngoại tình hay mua hộ ai đó thì chỉ còn một khả năng mà thôi. Có chết Hiếu cũng không muốn nghĩ tới khả năng đó, nhưng nó lại không ngừng xuất hiện trong đầu anh. Càng nghĩ anh càng hoảng hốt, không biết phải làm sao cho đúng. Vứt lại chiếc túi xách của vợ, anh vội vã lấy xe lao ra ngoài với suy nghĩ chỉ muốn trốn chạy hiện thực quá mức phũ phàng bày ra trước mắt.
Hôm đó, khi trở về nhà, nhìn chiếc túi xách lăn lóc giữa phòng, các thứ đồ trong đó, bao gồm vỉ thuốc tránh thai cô mới mua rơi vãi tung tóe ra sàn nhà, Nga bần thần cả người. Vậy là Hiếu có lẽ đã biết. Bình thường cô đều để thuốc trên ngăn kéo bàn làm việc ở cơ quan và uống vào giờ làm việc. Nhưng lần này, do bất cẩn, Nga mua thuốc xong, định bụng mai mang lên cơ quan mà chưa kịp mang thì Hiếu đã phát hiện ra.
Chính vì Nga lén uống thuốc nên trong thời gian rất dài, Hiếu và gia đình không ai biết được sự thật là cô chẳng bị làm sao hết. Cô chỉ chưa muốn có con nên đã bịa ra một câu chuyện hoang đường về bệnh tật của mình mà thôi. Và chị bác sĩ quen ấy cũng chính là người chị em tốt của cô đã làm tấm bình phong giúp cô. Nga nghĩ, nếu cô nói ra mình vẫn muốn kế hoạch nữa thì thể nào trong nhà cũng nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa, vì Hiếu và bố mẹ anh mong có cháu bế lắm rồi. Để êm đẹp mọi chuyện, Nga đã bày ra chiêu bài khó có con, cần thời gian chạy chữa để "câu giờ", trì hoãn việc sinh con. Như thế chẳng phải cô vừa thực hiện được mục đích của mình mà Hiếu cũng chẳng thể trách móc cô sao? Khi nào muốn sinh con, cô chỉ cần ngừng uống thuốc và nói bệnh mình đã chữa khỏi là được.
Nếu sự việc êm đẹp đúng như Nga tính toán thì có lẽ bí mật đó sẽ chỉ là của riêng cô. Nhưng cô có biết, Hiếu ngày đêm lo lắng cho cô và buồn phiền vì không khí gia đình thiếu tiếng trẻ thơ? Còn giờ đây nữa, khi sự việc bị vỡ lở, thứ cô phải đối mặt còn kinh khủng hơn nhiều, chính là nguy cơ hạnh phúc gia đình bị rạn nứt. Cô thật sự không biết phải làm sao vì khi bày ra và thực hiện kế hoạch này, cô chưa bao giờ nghĩ đến ngày này...
Theo Người Đưa Tin
Đăng nhận xét