Có đôi khi, ngược xuôi trên con đường tìm kiếm những điều ước mơ, đành chấp nhận, tặc lưỡi cho qua những bữa cơm nhà mà mẹ vẫn ngóng đợi hằng tối.
Có đôi khi, vì những khát vọng về một ngày mai đẹp tươi hơn, ấm áp hơn, tươi sáng hơn, những cô câu học trò nhỏ rời bỏ miền quê thân yêu, lên thành phố lớn xa hoa, tấp nập và hấp dẫn mà chẳng ấm được khói bếp cay nồng ngày đêm đỏ lửa mong mỏi tiếng trở về.
Có đôi khi, ở những chặng đường rất dài, rất xa, trên những nẻo phố phường tráng lệ của những đô thị phát triển xứ trời Tây, nước mắt nóng hổi mặn môi, thèm cơm trắng canh ngọt, thèm bát nước mắm chấm chung nơi quê nhà, thèm được cầm đũa gắp cho con bé em một miếng cá ngon, thèm được khoanh tay mời bố mẹ ông bà trước bữa-cơm-gia-đình…
Ai chẳng có những lần đôi khi trong cuộc đời không thể bất di bất dịch này…
Cuối năm, vẫn lại ngược xuôi, vẫn lại xấp xấp ngửa ngửa, vẫn lại là những mong ngóng cho kỳ được những tấm vé cho kịp tàu, kịp giờ bay, kịp những yêu thương trở về đúng nhịp. Cuối năm, nhà nhà chuẩn bị mâm cơm để tiễn ông bà Táo về trời, người người thả cá chép mà lòng sao thanh thản đến lạ, và muôn nơi trên khắp dải đất nhỏ nhưng ý chí không nhỏ, những căn bếp luôn đỏ lửa, đỏ tình và đỏ lòng. Lửa trong bếp, khói bay trên mái rơm chiều và lòng thênh thang khắp đất trời bao la rộng lớn.
Cuối năm, con gái cả năm bận rộn vào bếp, giúp mẹ nấu bát canh nấm, thổi nồi xôi đỗ, bày biện mâm quả bày lên bàn thờ tổ tiên. Cuối năm, con trai cả năm học hành chạy ra chợ cùng bố mua chú cá quẫy tung tóe trong chậu, lấp lánh vảy bạc, hay là lấp lánh cả những nụ cười cho một năm cũ ấm áp và hy vọng cho một năm mới ấm no.
Cuối năm nơi góc bếp, có những yêu thương rất nhẹ, có những bữa cơm rất ngon, có những khoảnh khắc của những điều thiêng liêng mà chỉ cần nhắc đến, có thể khiến ta thổn thức: khoảnh khắc gia đình.
Cuối năm nơi góc bếp, quây quần bên mâm cơm, cùng nhau trò chuyện những điều đã qua, cùng nhau bàn tính sửa soạn đón giao thừa, đón năm mới, cùng nhau hào hứng dọn dẹp nhà cửa đón đất trời xuân sắc ùa vào căn nhà.
Cuối năm nơi góc bếp, ở đồng bằng hay miền núi, ở miền xuôi hay miền ngược, ở đất liền hay hải đảo, tất cả cùng nổi lửa, cùng trao gửi những trái tim ấm, những ánh mắt vui và những tấm lòng thơm thảo.
Cuối năm nơi góc bếp, ông bà Táo cưỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng, từ trên trời xanh, nhìn xuống trần gian còn lắm điều phiền não, mà cũng vẫn còn lắm những điều quý giá.
Như là dáng mẹ tảo tần, tay mẹ khéo léo, lòng mẹ ấm êm, mà con mẹ vẫn còn bé lắm mẹ ơi!
Như là nơi góc bếp đỏ lửa ngàn năm, từ thời chàng Lang Liêu nấu bánh chưng, đến vua Quang Trung hành quân thần tốc mà quân không bị đói, chảy trôi về những ngày Hà Nội khói lửa, nhiễu phủ trắng xóa làng hoa Ngọc Hà, mà trong gian bếp, các bà các mẹ vẫn tíu tít chuẩn bị mâm cỗ ngày xuân. Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, Thủ đô ta an nhiên trong làn mưa bom bão đạn không thể vùi dập được con người Hà Nội. Rồi góc bếp hiện đại của căn nhà kỷ nguyên hai mươi, nhưng ngọn lửa yêu thương có bao giờ tắt.
Cuối năm, góc bếp nhỏ, và những điều còn mãi…
Theo Pháp Luật Xã Hội
Đăng nhận xét