Việc Google luôn đứng ở vị trí cao trong danh sách những công ty tốt nhất để làm việc cũng khiến nhiều người có ước mơ được vào đây. Nhưng thực sự để vào được Google bạn cần những gì?
Bạn cần những kỹ năng gì để có thể làm việc ở Google?
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, Thomas Friedman, tác giả của cuốn "Thế giới phẳng" đã có cuộc trò chuyện với Laszlo Bock, phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Google. Trước đây, Bock đã từng khẳng định GPA (điểm trung bình) không có ý nghĩa gì trong việc tuyển dụng. Thậm chí, tỉ lệ nhân viên không học đại học tại Google ngày càng cao, có một số vị trí lên tới 14%.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là thành tích học tập cao không phải là tốt, nhất là với những công việc đòi hỏi kiến thức về toán và lập trình ở Google. Dù vậy, theo Bock thì có 5 đức tính và kỹ năng mà mọi vị trí tại Google đều yêu cầu.
Laszlo Bock là phó chủ tịch, phụ trách nhân sự của Google
Nếu như vị trí của bạn là vị trí về kỹ thuật, chúng tôi sẽ xem xét khả năng lập trình của bạn, và phải đến một nửa vị trí ở Google là làm về kỹ thuật. "Tuy nhiên, với mọi vị trí nói chung, chúng tôi sẽ đánh giá khả năng tiếp thu, chứ không phải là chỉ số IQ. Đây là khả năng học hỏi, xử lý và tập hợp thông tin. Chúng tôi sử dụng các bài phỏng vấn để đánh giá một cách có cấu trúc các hành vi, để đảm bảo rằng ứng viên đáp ứng được yêu cầu".
Kỹ năng thứ hai chính là khả năng lãnh đạo. Tuy nhiên, theo Bock thì đây là "kỹ năng lãnh đạo khẩn cấp, chứ không phải là loại kỹ năng lãnh đạo truyền thống. Kỹ năng lãnh đạo truyền thống là việc bạn có phải chủ tịch câu lạc bộ cờ hay phó chủ tịch kinh doanh hay không, và bạn mất bao lâu để đạt vị trí đó. Chúng tôi không quan tâm vấn đề ấy. Điều chúng tôi quan tâm là nếu như bạn là thành viên của một nhóm và gặp sự cố, bạn có sẵn sàng đứng lên và lãnh đạo hay không. Và quan trọng không kém là bạn có chịu nhường lại vị trí đó cho người khác hay không. Để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả trong môi trường của công ty, bạn cần phải biết nhường quyền quyết định cho người khác".
Văn phòng Google rất đẹp và thoải mái, được coi là một nơi lý tưởng để làm việc
Hai đức tính tiếp theo là sự khiêm nhường và tính làm chủ. Đó là cảm giác về trách nhiệm, về tính làm chủ, khiến cho bạn phải cố gắng giải quyết vấn đề, và sự khiêm nhường để có thể tiếp nhận ý tưởng của người khác. "Mục tiêu cuối cùng là làm sao để giải quyết vấn đề cùng với những người khác. Khi tôi đã tham gia đóng góp xong, tôi sẽ để cho người khác đóng góp ý tưởng của họ".
Sự khiêm nhường không chỉ thể hiện ở việc để người khác đóng góp, mà còn là sự khiêm nhường về trí tuệ, vì nếu không bạn sẽ không thể học hỏi thêm được. Đó là lý do vì sao nhiều người tốt nghiệp tốt nghiệp ở các trường danh tiếng có hiệu quả làm việc chỉ thường thường. "Những người thành công và thông minh thường ít khi phải nhận thất bại, do đó họ không rút ra được kinh nghiệm qua các thất bại đó".
Thay vào đó, họ tìm cách đổ lỗi cho thất bại của mình: Nếu như có thành công thì do tôi tài giỏi, còn nếu có vấn đề thì là do lỗi của người khác, do tôi không có đủ nguồn lực hay thị trường đã thay đổi… Những người thành công nhất tại Google là những người sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình, nhưng cũng rất chịu khó tiếp thu. Bạn cần phải cá tính, nhưng đồng thời cũng biết kiềm chế cái tôi lại.
Trong số các yêu cầu, yêu cầu ít quan trọng nhất là chuyên môn. Nếu như một nhân viên sẵn sàng tiếp thu, luôn tìm hiểu điều mới, chịu khó học hỏi và có kỹ năng lãnh đạo khi cần thiết, nhưng lại không có chuyên môn thì có thể họ sẽ làm mọi thứ rối hết lên, nhưng đôi khi họ cũng sẽ đưa ra được một giải pháp hoàn toàn mới, và điều đó cũng rất giá trị.
Có thể nói, tài năng của một nhân viên có thể được thể hiện qua rất nhiều dạng, và được hình thành từ nhiều phương thức khác nhau, do vậy việc tuyển dụng cũng phải bám sát được điều đó, chứ không chỉ là nhìn vào tên tuổi của trường mà họ đã tốt nghiệp. "Bạn có thể gặp những người không đi học, nhưng vẫn rất giỏi giang, và họ là những người thực sự xuất sắc. Chúng ta cần làm tất cả mọi việc để có thể tìm ra những con người đó". Trong khi đó, nhiều trường đại học "không thể đem lại những gì họ đã hứa hẹn. Bạn sẽ phải nợ một khoản lớn để được đi học, nhưng lại không học được những điều hữu dụng nhất".
Đại học không phải con đường duy nhất để đến với Google
Tất nhiên, việc vào đại học và có kết quả tốt vẫn là con đường ngắn nhất để có được kiến thức đối với nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, bạn vần phải biết rằng điểm số cao không có nghĩa bạn sẽ có khả năng làm việc tốt. Thế giới chỉ quan tâm và trả tiền cho những gì bạn có thể làm với kiến thức của mình, còn bạn học từ đâu không quan trọng. Và bạn cần đầu tư cho những kỹ năng mềm như khả năng lãnh đạo, sự khiêm nhường, khả năng hợp tác, thích nghi và học hỏi.
Theo VnReview
Đăng nhận xét