Bởi vậy, ngay sau khi trị dứt điểm mụn, thì ngăn chặn nó quay lại chính là việc cực kì cần thiết. Và việc ngăn chặn đó có đạt được hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào chính những thói quen làm đẹp, chăm sóc da hàng ngày của bạn. Ngay bây giờ, hãy tham khảo 6 điều có thể khiến mụn trở lại mà chúng tôi nêu ra dưới đây và bắt đầu thiết lập lại cho mình chế độ làm đẹp, chăm sóc cũng như bảo vệ da hợp lý nhé.
1. Sử dụng đồ trang điểm có chất kích ứng
Là con gái, hầu hết ai cũng sẽ yêu thích trang điểm. Trang điểm ở đây có thể chỉ là một chút kem che khuyết điểm, hay phấn má ửng hồng, hoặc đơn giản là đường kẻ mắt đen nhấn nhá. Thế nhưng thật ra chính việc làm được con gái yêu thích nhất này lại có thể là nguyên nhân tác động trực tiếp tới quá trình phòng tránh mụn của bạn. Những món đồ trang điểm thường có một số chất tạo mùi hoặc tạo màu không chiết xuất từ thiên nhiên (dù ít hay nhiều), và hẳn nhiên là những thứ nhân tạo đó sẽ gây bất lợi cho làn da yếu. Ngoài ra, ngay cả dòng sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ do có các nguyên liệu dễ khiến da nổi mụn, điển hình như mỡ lông cừu, dầu khoáng...
2. Để da mặt quá khô
Da mặt nhiều dầu thường là nguyên nhân chính khiến mặt nổi mụn. Chính vì thế mà những cô nàng đang hay đã từng bị mụn thường có thói quen sử dụng những sản phẩm làm đẹp nhằm giảm thiểu triệt để lượng dầu trên mặt. Tuy nhiên, đó lại chính là vấn đề khiến mụn dễ quay trở lại. Lấy đi lượng dầu lớn trên da một cách thường xuyên sẽ vô hình chung kích thích cho da sản xuất thêm nhiều dầu hơn để tự cân bằng độ ẩm vốn có. Và điều này cũng sẽ tạo thói quen mới cho da, theo chiều hướng xấu, đó là gia tăng cả số lượng cũng như thời gian tiết dầu. Tốt nhất bạn chỉ nên rửa mặt 2 lần một ngày. Vào những thời điểm khác, hãy lau dầu với dung dịch tẩy rửa nhẹ, lành tính và dùng thêm kem dưỡng da kiềm dầu.
3. Sờ tay vào mặt
Không cần nói nhiều thì bạn cũng đủ biết môi trường xung quanh chúng ta ô nhiễm đến mức nào. Khói bụi, ẩm mốc và cả những vi khuẩn không thể nhìn thấy bằng mắt thường đều có thể dính lên tay bạn trong bất cứ hoạt động thường ngày nào. Bởi vậy mà đôi khi bạn nghĩ mình đã rửa tay sạch, nhưng thực chất lại không hề sạch chút nào. Bởi vậy nếu bạn thường xuyên sờ tay lên mặt, cũng có nghĩa là bạn đang gián tiếp đem vi khuẩn cùng những nguyên tố ảnh hưởng xấu tới da của mình. Hãy hạn chế ngay tình trạng này, và đảm bảo rằng bạn lau điện thoại hàng ngày nhé!
4. Vỏ ga, gối bẩn
Mồ hôi, dầu cùng chất bẩn từ những lần bạn chưa kịp tắm rửa, và nhiều nhất là bụi vẫn luôn có trong môi trường sẽ đều bám ngay lập tức vào vỏ ga gối của bạn. Thêm vào đó, nó cũng là chất bẩn bị lưu lại hết lớp này đến lớp khác, bởi không ai có thể giặt ga gối hàng ngày. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới làn da vốn đã nhạy cảm của bạn. Để ngăn điều này, hãy cố gắng thay ga 1 lần/tuần, thay vỏ gối 2 lần/tuần. Ngoài ra, sáng ngủ dậy, bạn cũng có thể phủ 1 lớp vải che bên ngoài để hạn chế bụi bẩn bám vào ga gối của mình.
5. Sản phẩm chăm sóc tóc
Dầu gội, dầu xả, dầu dưỡng hay hấp tóc... tất cả đều có nguy cơ mang mụn đến cho mặt bạn. Bởi lẽ tóc bạn chạm vào da mặt hàng ngày, và khi gội đầu hay hấp tóc thì những dung dịch chăm sóc tóc chắc chắn cũng sẽ bám ít nhiều lên mặt bạn. Cũng giống như đồ trang điểm, sản phẩm chăm sóc tóc cũng có thể chứa chất gây hại cho da nhạy cảm, như silicones, plasticizers (chất làm mềm), tinh dầu. Nếu da bạn vẫn đang trong quá trình hồi phục sau trị mụn, tốt nhất hãy chú ý chọn dầu gội, xả, dưỡng, hấp có thành phần dịu nhẹ. Trong đó, dầu gội cho trẻ em chính là lựa chọn hoàn hảo tuyệt đối.
6. Dụng cụ trang điểm bẩn
Mút đánh kem, chổi trang điểm không được giặt thường xuyên sẽ rất dễ sản sinh nấm mốc, đó là chưa kể những lớp phấn hay kem nền còn vương trên dụng cụ khi bị phơi ra ngoài nắng nóng cũng rất dễ biến chất. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến hậu quả kinh khủng: Mụn! Vì thế giống như vỏ ga gối, hãy giặt dụng cụ trang điểm 1 lần/tuần với dầu gội (có thành phần dịu nhẹ). Với mút đánh kem nền, tốt nhất bạn nên thay mới hoàn toàn sau vài lần sử dụng.
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét